Tuesday, September 29, 2015

Khó có chuyện Barca bị trục xuất khỏi La Liga

Việc Barcelona bị “trục xuất” khỏi giải vô địch Tây Ban Nha La Liga đang dần trở thành sự thật khi phe ủng hộ xứ Catalan ly khai đã giành quá nửa số ghế trong cuộc bầu cử Nghị viện hôm 27/9 vừa qua. Như vậy, Catalan có khả năng trở thành một quốc gia độc lập vào năm 2017. Và khi ấy, Barca sẽ không còn là thành viên của La Liga nữa?
TỪ MỘT LỜI ĐE DỌA
Trước ngày bầu cử Nghị viện nêu trên, hai nhân vật có tiếng nói trực tiếp đến bóng đá Tây Ban Nha là Bộ trưởng Thể thao Miguel Cardenal và Chủ tịch ban tổ chức La Liga (LFP) Javier Tebas tuyên bố như đinh đóng cột: Barca sẽ bị trục xuất khỏi La Liga nếu như Catalan chính thức độc lập. Hai tờ nhật báo có trụ sở tại Madrid là Marca và AS đều giật thông tin này ra trang nhất. Bộ trưởng Cardenal còn đi xa hơn khi đe dọa: “Nếu Catalan độc lập, Barca sẽ trở thành Ajax hoặc Celtic”.

Đấy tất nhiên là những lời nói có sức nặng. Thế nhưng những phát ngôn dù là trong lĩnh vực thể thao tại Tây Ban Nha, đặt trong bối cảnh quan hệ giữa Catalan - Madrid, không thể nào thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của chính trị. Nói cách khác, Cardenal và Tebas đều đứng về phía chính quyền Tây Ban Nha và cách nói của họ đơn giản là sự đe dọa dành cho các cule mà thôi. Nếu một người Catalan là fan của Barca đi bỏ phiếu, họ tất nhiên sẽ phải đắn đo vận mệnh của đội bóng con cưng. Vì rõ ràng nếu tách khỏi La Liga, những món tiền từ truyền hình, tài trợ của Barca sẽ sụt giảm nghiêm trọng, tầm vóc của họ quả là sẽ về ngang với Ajax, Celtic thật.


Chủ tịch Barcelona, Josep Bartomeu lên tiếng khẳng định Barca... trung tính. Rõ ràng đấy chỉ là cách nói để giảm nhiệt căng thẳng, đồng thời mở đường cho một cuộc... ăn nhờ ở đậu trong tương lai. Luật thể thao của Tây Ban Nha quy định, chỉ có những đội Tây Ban Nha mới được tham gia vào các cuộc tranh tài tại Tây Ban Nha, nhưng họ cũng trừ một ngoại lệ cho những đội bóng từ Andorra. Đấy là cách mà các đội bóng Xứ Wales được đá tại Premier League và AS Monaco thi đấu tại Ligue 1.

Như vậy, nếu như có ngoại lệ cho Andorra, luật cũng thừa sức dành ngoại lệ ấy cho Barca. Thế giới đang tiến dần đến toàn cầu hóa, làm gì có chuyện khư khư giữ luật như hai vị chính trị gia nêu trên nói. Vì thế, chuyện ở đây không còn là luật nữa mà vấn đề là chính trị. Nhưng khi đưa ra những đe dọa hùng hồn như thế, chính hai vị này cũng quên mất một sự thật: nếu Barca thành Ajax thì La Liga cũng có thể trở thành... giải vô địch Hà Lan, nếu Barca thành Celtic thì La Liga cũng có thể rớt xuống ngang giải vô địch Scotland.

CHO ĐẾN THỰC TẾ
Barcelona là thương hiệu giúp La Liga kiếm ra tiền. Bản quyền truyền hình của họ có được là nhờ Barcelona và cuộc đối đầu kinh điển El Clasico. Barca mà tách ra, họ mất nhiều, nhưng La Liga cũng mất không ít. Đang thua kém Premier League hàng dặm ánh sáng, thậm chí còn đang thua cả Bundesliga về sức hút từ khán đài, La Liga có dám mạo hiểm nói “không” với lời đề nghị được ở lại từ Barca không?


Nếu Catalan ly khai thành công, có thể nói La Liga sợ nhiều hơn là Barcelona. Bởi nếu không thể dự La Liga, Barca có thể xin tham dự Ligue 1 hoặc Premier League. Ligue 1 là giải pháp cực kỳ hợp lý về mặt địa lý. Giải đấu này đang nuôi tham vọng vươn lên “Top 3” giải vô địch hàng đầu châu Âu, họ cần một đối thủ đặt dấu chấm hết cho sự thống trị của PSG và khiến giải đấu của mình cạnh tranh hơn. Premier League thì xa hơn, nhưng giải đấu số 1 về cách kiếm tiền này khó mà bỏ qua một thương hiệu tầm cỡ như Barcelona. Có thêm Barca, sức hút của giải đấu càng khủng khiếp, có thể sánh ngang với NBA trong bóng rổ. Khi ấy, chỉ có giải Super League mà UEFA đang ấp ủ thành lập mới có thể sánh nổi với thương hiệu Premier League mà thôi.

“Nếu Tây Ban Nha bị chia cắt, La Liga cũng sẽ tan vỡ,” đấy là lời của Javier Tebas. Phát ngôn này có lý, nhưng “tan vỡ” hay không lại do quyết định của chính những người trong cuộc. Bởi vì người ta có thể chia rẽ về mặt quan điểm, chính trị, nhưng quyền lợi kinh tế vẫn có thể tạo ra những liên minh. Barca chắc chắn rất khó trở thành Ajax, bởi La Liga chẳng bao giờ muốn trở thành giải vô địch Hà Lan.

Đá nhờ giải vô địch, chuyện không hiếm
Việc các CLB “ăn nhờ ở đậu” tại các giải VĐQG khác không có gì lạ lẫm. Ở Xứ Wales, hai CLB là Swansea và Cardiff đang thi đấu tại các giải đấu của Anh. Còn ở Canada, hai CLB của nước này là Toronto và  Montreal Impact đang góp mặt ở giải Nhà nghề Mỹ (MLS). Tương tự là trường hợp của AS Monaco đá tại Ligue 1. So với những CLB ngụ cư khác, Monaco thành công hơn cả khi đoạt ngôi á quân  Champions League 2004 và 7 lần vô địch Ligue 1. Không chỉ các CLB, các ĐTQG cũng có những trường hợp ngụ cư mà việc Australia góp mặt ở hệ thống thi đấu của LĐBĐ châu Á (AFC) từ năm 2006 là ví dụ điển hình.


“Trục xuất Barca là tự sát”

Joan Maria Pique, phát ngôn viên của chính quyền Catalan, đe dọa ngược lại La Liga khi tuyên bố việc “trục xuất” Barcelona một khi Catalan độc lập là hành động tự sát. Vị này nói: “La Liga sẽ đuổi Barca và tiêu diệt trận El Clasico ư? Đấy chỉ là tin đồn. Bởi vì chỉ có tự sát mới làm như vậy. Tại sao Andorra có thể dự giải vô địch Tây Ban Nha mà Catalan không thể? Bao giờ cũng có giải pháp”.

Các thành viên Barca đi bỏ phiếu

Không lâu sau khi bỏ phiếu bầu chủ tịch Barcelona, giờ các thành viên của Barca lại bỏ phiếu để quyết định vận mệnh của xứ Catalan. Gerard Pique đến buổi bỏ phiều cùng với con trai Milan của mình và bạn gái Shakira. Anh công kênh con trai lên vai và tiến đến thùng phiếu. HLV Luis Enrique cũng là một trong 5,5 triệu người tham gia bỏ phiếu Nghị viện. Ông còn viết lên Twitter để ghi nhớ ngày quan trọng này.

Petit chỉ trích tính địa phương ở Nou Camp

Cựu tiền vệ Barcelona, Emmanuel Petit lên tiếng chỉ trích ảnh hưởng Catalan tại CLB cũ, ông gọi việc này là “gần với phân biệt chủng tộc”. Petit đến Nou Camp vào năm 2000 nhưng chỉ đá một mùa thì quay trở lại Anh đầu quân cho Chelsea. Nay ông tiết lộ những chuyện hậu trường tại Barca: “Trong phòng thay đồ lúc đó là cuộc chiến giữa các cầu thủ Hà Lan và Catalan, trong khi HLV Lorenzo Serra Ferrer không có uy quyền gì. Họ ép tôi không được học tiếng Tây Ban Nha mà phải học tiếng Catalan”.
                                                                                                Nguồn: BÓNG ĐÁ